Đăng ngày: 13/01/2023
Mở rộng quan hệ quốc phòng Nhật – Mỹ sang cả lãnh vực không gian, ký kết một thỏa thuận quân sự quan trọng với Luân Đôn, thúc đẩy kế hoạch chế tạo chiến đấu cơ thế hệ mới chung với Ý – Anh : vòng công du thần tốc của thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida qua 5 nước châu Âu và Bắc Mỹ, kết thúc bằng cuộc gặp thượng đỉnh với tổng thống Mỹ Joe Biden vào hôm nay, 13/01/2023, là bằng chứng rõ nhất về chiến lược đối phó với Trung Quốc mà Tokyo đang triển khai.
Đó là tăng cường và nhân rộng các thỏa thuận quốc phòng và an ninh với các đồng minh.
Dĩ nhiên, nhân vòng công du qua Pháp, Anh, Ý, Canada và Mỹ, lãnh đạo Nhật Bản đã thảo luận về vô số chủ đề với những người đồng cấp thuộc nhóm G7. Thế nhưng, theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP vào hôm nay 13/01/2023, vấn đề quốc phòng và an ninh là điểm được ưu tiên trong chương trình nghị sự của ông.
Mục tiêu của mong muốn tăng cường hợp tác quốc phòng với các đồng minh dĩ nhiên là Trung Quốc, đã chính thức bị Tokyo coi là “thách thức chiến lược chưa từng có” đối với sự an toàn của Nhật Bản, như được nêu rõ trong học thuyết quốc phòng mới được công bố tháng 12/2022.
Hành vi của Trung Quốc bị tố cáo
Tại Anh, Canada hay tại Hoa Kỳ, Trung Quốc đã được nêu đích danh, còn tại Pháp, Ý, thủ tướng Nhật Bản cũng đã nhắc đến mối đe dọa từ Trung Quốc, khi cho rằng kêu gọi hợp tác để chống lại “các mưu toan đơn phương dùng võ lực để thay đổi nguyên trạng tại vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông”.
Đối với giới phân tích, các thỏa thuận về quốc phòng mà Tokyo vừa đạt được với Luân Đôn và Washington trong những ngày gần đây là một minh họa mới cho thấy Tokyo mong muốn thắt chặt quan hệ với các đồng minh trước áp lực ngày càng tăng của Trung Quốc trong vùng Châu Á – Thái Bình Dương.
Theo chuyên gia Amy King, Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Phòng, thuộc Đại Học Quốc Gia Úc, ông Kishida đang cố gắng mở rộng mối quan hệ của Nhật Bản để bảo đảm an toàn cho nước này nếu chẳng may năng lực của Mỹ bị “suy yếu” đi. Ông đồng thời cố gắng “thu hút các nền dân chủ lớn khác đến châu Á”.
Vấn đề liên kết chặt chẽ với các quốc gia đồng chí hướng đang thực sự trở nên cần thiết. Theo giáo sư Mitsuru Fukuda, giáo sư tại Đại Học Nihon ở Tokyo : “Trong quá khứ, Nhật Bản có thể tách rời kinh tế và chính trị” bằng cách buôn bán với Trung Quốc và Nga, trong khi được hưởng sự bảo vệ đến hiệp ước an ninh với Hoa Kỳ. Thế nhưng, giờ đây, tình hình đã đổi khác, khi căng thẳng giữa các nền dân chủ và các nước độc tài ngày càng gia tăng kể từ khi Nga xâm lược Ukraina.
Các thỏa thuân an ninh, quốc phòng mới
Nhân vòng công du lần này của thủ tướng Kishida, các bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Mỹ và Nhật Bản đã gặp nhau ngày 12/01, với kết quả là chính thức hóa việc mở rộng phạm vị hiệu lực của hiệp ước an ninh Nhật – Mỹ sang lĩnh vực không gian vũ trụ và không gian mạng, cũng như việc triển khai vào năm 2025 một đơn vị Thủy Quân Lục Chiến cơ động hơn ở Okinawa, vùng lãnh thổ Nhật Bản gần Đài Loan và Trung Quốc nhất.
Trước đó một hôm, tại Luân Đôn, Nhật Bản và Vương Quốc Anh cũng đã ký kết một Thỏa Thuận Tiếp Cận Hỗ Tương, cho phép quân đội của hai nước triển khai trên lãnh thổ của nhau theo cách linh hoạt hơn nhiều so với cho đến nay. Nhật Bản đã ký một thỏa thuận tương tự với Úc vào năm ngoái và đang thảo luận một dự án tương tự với Philippines.
Còn tại Roma ngày 10/01, thủ tướng Nhật và đồng nhiệm Ý đã quyết định nâng cấp quan hệ song phương lên hàng đối tác chiến lược, khởi động cơ chế đối thoại 2+2.
Vào năm ngoái, Tokyo cũng đã quyết định hợp tác phát triển một loại máy bay chiến đấu mới với Luân Đôn và Roma, đồng thời hợp tác trong lĩnh vực tình báo với Úc
Theo Daisuke Kawai, một nhà nghiên cứu tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Nhật Bản, việc thiết lập mạng lưới liên minh \”quả là một cách hiệu quả để chống lại hoặc cố gắng ngăn chặn Trung Quốc\”, không cho Bắc Kinh gây ra một cuộc khủng hoảng lớn ở châu Á – Thái Bình Dương. Theo chuyên gia này, do việc những thỏa thuận như vậy không đi xa như các hiệp ước phòng thủ chung, nên vẫn “có thể chấp nhận được trong thời điểm hiện tại” đối với Trung Quốc.
Các cuộc thăm dò cho thấy là phần lớn dư luận Nhật Bản ủng hộ việc củng cố quốc phòng của đất nước, nhưng các ý kiến lại khác nhau về cách tài trợ cho một nỗ lực lớn như vậy.